Trang sức TIFFANY & CO và những điều ít người biết
Có bao nhiêu thương hiệu xa xỉ được thế giới nhận ra và đặt tên cho một sắc màu độc bản? Câu trả lời sẽ là: Duy nhất Trang Sức Tiffany & Co. Thương hiệu trang sức cao cấp đến từ Mỹ nổi tiếng với sắc xanh Tiffany độc bản.
Năm vừa qua, thời trang thế giới chứng kiến một cơn địa chấn: gã khổng lồ xa xỉ LVMH thâu tóm Trang Sức Tiffany & Co , thương hiệu trang sức từ Mỹ. Thương vụ vừa hoàn tất đầu năm nay, trị giá 15,8 tỉ đô-la Mỹ.
Nhắc đến Tiffany, hẳn bạn nhớ năm 2019, Lady Gaga xuất hiện trên thảm đỏ Oscar với viên kim cương vàng Tiffany Diamond. Đó là món trang sức đắt đỏ nhất từng xuất hiện trong lịch sử lễ trao giải danh giá này.
Trước đó hơn nửa thế kỷ, hình ảnh minh tinh Audrey Hepburn với chiếc đầm đen, đeo chuỗi ngọc trai, đứng nhìn khung cửa Tiffany trong Breakfast at Tiffany’s (1961) cũng hóa thành kinh điển. Những ai đã xem phim hẳn không thể quên hình ảnh xinh đẹp, đầy sức sống của huyền thoại màn bạc. Cô cũng là hiện thân của Tiffany & Co. – lãng mạn, tuyệt mỹ, chinh phục thế giới bởi các tiêu chuẩn khắt khe nhất.
Suốt 184 năm hình thành và phát triển, Tiffany & Co. là thương hiệu gắn liền với lịch sử nước Mỹ và những cột mốc trong nghệ thuật chế tác kim hoàn.
Kinh doanh trang sức phong cách Mỹ
Ngày 18–9–1837, chàng trai 25 tuổi Charles Lewis Tiffany rủ rê cậu bạn học John B. Young hùn hạp để mở một cửa tiệm ở đường Broadway, New York. Cả hai đặt tên cửa hàng là Tiffany & Young. Vốn mở cửa tiệm là 1.000 đô-la Mỹ. Charles Lewis Tiffany vay của bố.
Tiffany & Young bày bán các món trang sức nhỏ xinh. Quan trọng nhất: cửa hàng bán đúng giá niêm yết, miễn mặc cả. Đây là tiền lệ chưa từng có tại New York bấy giờ.
Ngày khai trương, hai chàng trai trẻ thu về… 4,98 đô-la Mỹ. Cửa hàng Tiffany & Young khi ấy chuyên bán trang sức và đồng hồ theo phong cách Mỹ: giản dị, khúc chiết. Vị trí đắc địa, sản phẩm khác biệt nhanh chóng đưa cửa hàng trở thành điểm hẹn thu hút phụ nữ New York. Những cô gái Mỹ luôn tìm kiếm một phong cách đậm tính bản địa. Họ muốn chúng phải khác xa với các dấu ấn thiết kế xa hoa đặc trưng của thời đại Victoria.
Kinh doanh ngày càng phát triển. New York trở nên chật chội cho giấc mộng kinh doanh của Charles Lewis Tiffany. Ông nảy ra sáng kiến in một cuốn catalogue giới thiệu các sản phẩm kim hoàn, phát khắp nước Mỹ. Năm 1845, cuốn catalogue mang tên Blue Book ra đời.
Gọi là Blue Book, bởi cuốn catalogue có màu xanh lục nhạt, pha trộn giữa màu xanh trứng chim (robin’s egg blue) và da trời xanh non (baby blue). Sắc xanh lục nhạt ấy trở thành một di sản, gắn liền với Tiffany & Co. “Xanh Tiffany” không chỉ là một màu sắc. Chúng còn mang theo cả niềm kiêu hãnh, tự hào trong lịch sử gần hai thế kỷ của thương hiệu.
Thời gian đầu, Charles Lewis Tiffany sang châu Âu thu mua kim cương từ các nhà quý tộc mang về Mỹ bán. Khách hàng chỉ ngồi tại nhà, người của Tiffany sẽ mang sản phẩm đến tận nơi. Tiếng lành đồn xa. Giới thượng lưu Mỹ truyền tai nhau về độ uy tín và chất lượng của Tiffany.
Những mốc son của “vua kim cương” Trang Sức Tiffany & Co
Thường xuyên đi về giữa châu Âu và Mỹ, Charles Lewis Tiffany nhạy bén học hỏi và mang các tiêu chuẩn Âu châu về quê hương. Năm 1851, Trang Sức Tiffany & Co. là công ty đầu tiên tại Mỹ sử dụng tiêu chuẩn hàm lượng bạc 925/1000 cho các thiết kế của mình. Về sau, bạc 925 trở thành tiêu chuẩn cho cả nước Mỹ.
Charles Lewis Tiffany đam mê chất liệu bạc. Bộ thìa nĩa bạc 925 chạm trổ cầu kỳ đã giúp công ty đoạt giải thưởng Grand Prize tại Hội chợ toàn cầu Paris 1867. Lần đầu tiên, một công ty Hoa Kỳ chiến thắng giải thưởng danh giá ở châu Âu. Từ đây, danh tiếng Tiffany & Co. vượt khỏi biên giới nước Mỹ.
Sau bạc là kim cương. Năm 1893, nhà sáng lập Charles Lewis Tiffany khiến thế giới sốc nặng khi trưng bày viên kim cương vàng 128 carat, với 82 giác cắt tại Hội chợ Thế giới Chicago. Viên kim cương có tên là Tiffany Diamond được tìm thấy tại mỏ Kimberly, Nam Phi, năm 1877.
Viên kim cương này khiến thế gian xưng tụng Charles Lewis Tiffany là Vua Kim cương. Viên Tiffany Diamond vàng, đến ngày nay, vẫn là biểu tượng ngoạn mục của di sản kim cương tinh tế và nghệ thuật chế tác kim hoàn thủ công rực rỡ của Trang Sức Tiffany & Co.
Những câu chuyện tình lãng mạn từ nhẫn đính hôn Trang Sức Tiffany & Co.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến Trang Sức Tiffany & Co. mà bỏ qua thiết kế huyền thoại của thương hiệu: nhẫn cầu hôn.
Chiếc nhẫn kim cương nằm trong hộp màu xanh, buộc nơ trắng, là ước mơ của nhiều cô gái. Năm 1886, Tiffany & Co. tạo nên một chiếc nhẫn bạch kim, đính một viên kim cương nhỏ giữ bằng niềng sáu mấu, khiến chúng tỏa ánh hào quang rạng rỡ từ mọi phía. Chiếc nhẫn mang tên Tiffany Setting.
Lần đầu tiên, viên kim cương không khảm chìm để lọt vào trong chiếc nhẫn. Với cách thiết kế nổi bật ra ngoài, mọi người có thể chiêm ngưỡng kim cương từ nhiều góc độ. Thiết kế này trở thành mẫu nhẫn cầu hôn kinh điển cho toàn thế giới. Đó không chỉ là một chiếc nhẫn, mà là hiện thân cho tình yêu một người đàn ông dành cho người phụ nữ của đời mình.
Những thế hệ kế tục Charles Lewis Tiffany
Năm 1902, nhà sáng lập Charles Lewis Tiffany tạ thế. Con trai ông, Louis Comfort Tiffany, kế thừa gia nghiệp và trở thành Giám đốc Thiết kế đầu tiên của công ty. Dưới tài lãnh đạo của Louis, Trang Sức Tiffany & Co. tiếp tục là tên tuổi dẫn dắt trào lưu Art Nouveau giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Năm 1926, các tiêu chuẩn về bạch kim của Tiffany & Co. được Chính phủ Mỹ công nhận là tiêu chuẩn xác định bạch kim nguyên chất chính thức. Năm 1972, Tiffany & Co. mở rộng đế chế ra khỏi nước Mỹ, với cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm Mistukoshi, Nhật Bản.
Tiếp đó, thương hiệu “xâm chiếm” châu Âu với cửa hàng ở phố Bond, London năm 1986. Đến năm 2019, Tiffany & Co. có 326 cửa hàng trên toàn cầu.
Gần hai thế kỷ, Trang Sức Tiffany & Co., tựa như những viên kim cương của hãng, vẫn tỏa sáng các giá trị vĩnh cửu và mang đến những tác phẩm tuyệt mỹ cho thế giới.